Một số thuốc khi sử dụng cùng với rượu có thể gây ra một số hậu quả không mong muốn. Trong hầu hết các trường hợp, nó có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ nhưng nó cũng có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc.
Một số loại thuốc dạng lỏng có thể chứa cồn trong đó, đặc biệt thường gặp ở thuốc cổ truyền và thuốc có nguồn gốc dược liệu. Alcohol có thể được dùng làm chất bảo quản hoặc giúp hòa tan hoạt chất. Nó thường được gọi là một thành phần không hoạt động (hoặc tá dược) trong thuốc.
Rượu (hay alcohol nói chung) tương tác với nhiều loại thuốc, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn (OTC) cũng như thuốc thảo dược. Rượu có thể ảnh hưởng đến cách một số loại thuốc được cơ thể hấp thụ và phân hủy trong gan.
Trong cơ thể con người, rượu được đào thải trước tiên qua chuyển hóa ở gan với sự xúc tác của các enzyme chuyển hóa rượu (alcohol). Nếu bạn uống rượu thường xuyên và đặc biệt nếu uống quá nhiều, gan sẽ phải sản sinh ra nhiều enzyme hơn để loại bỏ rượu nhanh hơn. Chính những enzyme này “phá vỡ” thuốc bạn đang dùng nên thuốc không còn tác dụng như vốn có. Việc thuốc bị “phá vỡ” hay còn gọi là phân hủy bởi tác động cửa các emzyme chuyển hóa rượu cho ra các “sản phẩm” chuyển hóa không mong muốn và điều này sẽ đưa đến các khả năng: thuốc không còn tác dụng; sản phẩm chuyển hóa ra tăng độc tính. Trong bất cứ trường hợp nào thì mục tiêu của việc dùng thuốc đều không được đáp ứng, hoặc là bệnh không thuyên giảm/khỏi hoặc phải chịu độc tính của thuốc có thể phát sinh bệnh mới.
Rượu (alcohol) là một chất ức chế thần kinh, nó ảnh hưởng đến cách hoạt động của não và làm chậm thời gian phản ứng của cơ thể. Một số loại thuốc cũng ảnh hưởng đến não của bạn và nếu bạn uống rượu thì những tác dụng này có thể tăng lên, đây được gọi là tác động hiệp đồng nhưng là sự hiệp đồng không mong muốn nhìn dưới góc độ trị liệu y học, ngoại trừ các tay “bợm nhậu, hút chích”.
Các tác dụng phụ điểm hình của thuốc bị gia tăng khi có mặt của rượu bao gồm: ngủ, buồn ngủ; chóng mặt và té ngã; nôn và buồn nôn; đau đầu; thay đổi huyết áp và đường huyết; thay đổi tâm trạng (cáu gắt hoặc trầm cảm); mất phối hợp (có thể đưa đến tai nạm nhất là trong trường hợp điều kiển xe hoặc máy móc).
Uống quá nhiều rượu cùng một lúc có thể dẫn đến buồn ngủ, suy hô hấp (khi hơi thở của bạn trở nên chậm, nông hoặc ngừng hẳn), hôn mê hoặc thậm chí tử vong.
Sử dụng đồng thời rượu với một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng như các vấn đề về gan, các vấn đề về dạ dày, các vấn đề về tim và trầm cảm.
Ai có nguy cơ cao nhất bị ảnh hưởng bởi tác dụng có hại từ rượu và từ tương tác thuốc với rượu?
Dữ liệu từ các nghiên cứu đã chỉ ra chính phụ nữ, người cao tuổi (người già), những người có vấn đề về gan và một số bệnh mãn tính có nguy cơ cao nhất bị ảnh hưởng có hại từ rượu. Bạn cũng có nguy cơ gặp phải những tác hại này cao hơn nếu uống nhiều rượu, ăn uống không điều độ hoặc đang dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Ở người lớn tuổi, rượu có thể làm tăng nguy cơ té ngã và chấn thương nghiêm trọng. Người lớn tuổi không chuyển hóa rượu nhanh như người trẻ tuổi, vì vậy rượu tồn tại trong cơ thể lâu hơn và có nguy cơ tương tác với thuốc cao hơn. Việc sử dụng rượu cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm một số tình trạng bệnh lý.
Làm thế nào để phòng tránh các tác dụng không mong muốn liên quan đến tương tác giữa rượu và thuốc?
Các “quy tắc” sau đây cho phép phòng tránh các tác dụng không mong muốn liên quan đến tương tác giữa rượu và thuốc:
+ Luôn đọc kỹ nhãn thuốc, bao gồm cả thuốc OTC và thuốc có nguồn gốc thảo dược. Nếu nhãn thuốc đã cảnh báo tránh uống rượu thì tốt nhất nên tránh uống rượu khi đang dùng thuốc.
+ Hỏi ý kiến của bác sỹ hoặc dược sỹ nếu bạn thấy lo lắng về tác dụng của rượu đối với thuốc mà bạn đang dùng. Hãy chắc chắn rằng bạn nói với họ tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, bao gồm cả thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn và thuốc thảo dược.
+ Nếu nghi ngờ, đừng uống rượu. Nếu bạn không thể tìm thấy thông tin mình cần hoặc không thể liên hệ với chuyên gia y tế, tốt nhất bạn nên tránh uống rượu cho đến khi bạn có thể chắc chắn rằng nó sẽ không ảnh hưởng đến thuốc của bạn.
Hãy là một người sử dụng thuốc (chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe) một cách thông thái.
TS.DS.Nguyễn Quốc Bình
Biên dịch theo https://healthify.nz/