Hiện tại, đái tháo đường típ 1 không thể dự phòng được. Mặc dù có một số yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của đái tháo đường típ 2, nhưng rõ ràng ảnh hưởng nhất là những hành vi lối sống thường gắn với đô thị hóa. Bao gồm sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, như đồ uống có đường, thực phẩm có hàm lượng chất béo cao và carbohydrate tinh chế cao. Đồng thời, lối sống hiện đại được đặc trưng bởi sự không hoạt động và thời gian tĩnh tại dài. Các hành vi này cùng phối hợp làm tăng nguy cơ thừa cân hoặc béo phì và sự phát triển của đái tháo đường típ 2.
Một số chương trình dự phòng đã chỉ ra việc thay đổi các hành vi, như ăn thực phẩm lành mạnh hơn và tăng cường hoạt động thể lực có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2. Để ngăn chặn sự gia tăng của đái tháo đường típ 2, toàn thể cộng đồng phải thay đổi hành vi sống bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tăng mức độ hoạt động thể lực.
Luyện tập thể lực
– Cần kiểm tra biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh, biến dạng chân trước khi luyện tập và đo huyết áp, tần số tim. Không luyện tập gắng sức khi glucose huyết > 250-270 mg/dL và ceton dương tính.
– Loại hình luyện tập thông dụng và dễ áp dụng nhất: đi bộ tổng cộng 150 phút mỗi tuần (hoặc 30 phút mỗi ngày), không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Mỗi tuần nên tập kháng lực 2-3 lần (kéo dây, nâng tạ).
– Người già, đau khớp có thể chia tập nhiều lần trong ngày, thí dụ đi bộ sau 3 bữa ăn, mỗi lần 10-15 phút. Người còn trẻ nên tập khoảng khoảng 60 phút mỗi ngày, tập kháng lực ít nhất 3 lần mỗi tuần.
Tài liệu tham khảo
https://daithaoduong.kcb.vn/van-dong-the-luc-de-phong-benh