HAS đã đưa ra các cảnh báo về nguy cơ sai sót khi sử dụng các thuốc có nguy cơ cao, bao gồm: (1) Sai sót quá liều tramadol trên bệnh nhi nhỏ tuổi gây suy hô hấp cấp; (2) Sai sót trong quản lý thuốc giãn cơ gây ngừng hô hấp; (3) Sai sót quá liều methotrexat dẫn đến tử vong
Sai sót 1: Quá liều tramadol trên bệnh nhi nhỏ tuổi gây suy hô hấp cấp
Một bệnh nhi 8 tuổi đã phải can thiệp cấp cứu suy hô hấp tại khoa phẫu thuật chỉnh hình sau khi được phẫu thuật nối xương do gãy xương bàn tay. Nguyên nhân là do bác sĩ thực tập đã kê đơn tramadol quá liều gấp 5-10 lần liều tối đa cho phép của tramadol trên bệnh nhân nhi để giảm đau sau khi không đáp ứng với các thuốc giảm đau bậc 1.
Trên thực tế, bệnh nhi được nhập viện điều trị tại khoa phẫu thuật chỉnh hình dành cho người lớn. Tại khoa hiện chưa có các quy định về liều lượng và cách sử dụng thuốc dành cho trẻ em. Đồng thời, các cán bộ nhân viên y tế không quen thuộc với việc kê đơn và sử dụng thuốc cho trẻ em cũng như các công thức tính toán cho đối tượng bệnh nhân này.
Do vậy, bác sĩ thực tập đã kê đơn tramadol đường uống mà không kiểm tra liều lượng. Y tá không yêu cầu viết giấy xác nhận kê đơn thuốc và không kiểm tra kỹ liều lượng đối với trường hợp sử dụng bất thường này trong khoa. Bên cạnh đó, khoa chưa xây dựng phác đồ điều trị giảm đau trong vòng 24 giờ sau mổ. Ngoài ra, y tá đã ngắt lời bác sĩ thực tập khi họ đang thông báo về trường hợp ca bệnh do ngày xảy ra sai sót là cuối tuần, các nhân viên đều căng thẳng, bận rộn trong khi người nhà bệnh nhân lo lắng vì cơn đau của bệnh nhi.
Sai sót 2: Sai sót trong quản lý thuốc giãn cơ gây ngừng hô hấp
Một bệnh nhân nữ 40 tuổi nhập viện để nội soi đại tràng gây mê toàn thân. Bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức sau khi kết thúc thủ thuật và được y tá tiêm thuốc chống co thắt (trimebutin). Ngay lập tức, bệnh nhân ngừng hô hấp, phải can thiệp đặt nội khí quản, dùng thuốc an thần và chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt.
Trên thực tế, y tá đã sử dụng thuốc giãn cơ (cisatracurium) thay vì thuốc chống co thắt (trimebutin).
Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự nằm ở việc lưu trữ thuốc giãn cơ. Cụ thể:
- Các chế phẩm y tế được bảo quản trong tủ lạnh theo thứ tự bảng chữ cái, nhưng không có sự phân biệt về danh pháp INN của các thuốc có nguy cơ cao như thuốc giãn cơ;
- Thuốc giãn cơ không được bảo quản an toàn, đặt cạnh thuốc chống co thắt;
- Bao bì bên ngoài của các thuốc bảo quản trong tủ lạnh đã bị loại bỏ, dẫn đến không thể phân biệt rõ ràng thông tin về danh pháp INN, liều lượng, dạng bào chế và đường dùng;
- Ánh sáng trong tủ lạnh không tốt khiến việc nhận dạng trực quan không chính xác.
Bên cạnh đó, sai sót gây ra do y tá không kiểm tra tên thuốc trước khi tiêm. Trong trường hợp này, y tá đã làm việc 2 đêm trước đó và ngày xảy ra sai sót là ngày cuối cùng y tá này làm việc tại bộ phận, trước được điều chuyển công tác.
Sai sót 3: Tử vong do quá liều methotrexat
Một bệnh nhân nữ 80 tuổi nhập viện dưỡng lão và được sử dụng methotrexat. Sau khi có biểu hiện giảm tiểu cầu và thiếu máu, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện và tử vong sau đó.
Nguyên nhân trực tiếp là y tá đã cho bệnh nhân sử dụng methotrexat với liều 1 viên/ngày trong 8 ngày liên tiếp, trong khi chỉ định là 1 viên/tuần.
Tuy nhiên, sai sót gây ra do các nguyên nhân gián tiếp sau đây:
- Lựa chọn chế phẩm thuốc mà không tham khảo các hướng dẫn điều trị quốc gia, dẫn đến thiếu các thông tin cảnh báo.
- Không tiến hành các rà soát thuốc do thiếu dược sĩ.
- Đơn thuốc định kỳ của bác sĩ không được xem xét
- Nhân viên y tế không đọc danh mục thuốc nguy cơ cao hoặc tạp chí dược phẩm đề cập về methotrexat ở bệnh viện.
- Y tá không kiểm tra lại khi chuẩn bị lọ thuốc hoặc khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc. Quy trình chuẩn bị/sử dụng các thuốc nguy cơ cao dù có sẵn nhưng không được y tá xem khi chuẩn bị/sử dụng thuốc cho bệnh nhân.
- Không tuân thủ tờ thông tin sản phẩm của thuốc, mặc dù bản sao của chuyên luận thuốc trong dược thư đã có sẵn trong bệnh án điện tử.
Các giải pháp nhằm hạn chế sai sót
Các phân tích về các phản ứng có hại nghiêm trọng từ cơ sở dữ liệu REX-EIGS đã chỉ ra có gần 250 sai sót về thuốc, trong đó 75% các phản ứng có liên quan đến các thuốc có nguy cơ cao. Sai sót liên quan đến sử dụng sai thuốc không xảy ra thường xuyên nhưng có hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân. Vì vậy sử dụng thuốc an toàn là cần thiết.
Các giải pháp bao gồm:
- Xác định các thuốc nguy cơ cao ở từng bước quản lý thuốc đặc biệt là danh mục thuốc cho mỗi chuyên ngành để các nhân viên y tế có thể nhận biết và xác định các thuốc có nguy cơ cao;
- Thiết lập các biện pháp an toàn cho từng bước quản lý thuốc để ngăn chặn sai sót: tiêu chuẩn hóa các quy tắc kê đơn, cấp phát, điều trị và bảo quản; đưa ra các Hướng dẫn thực hành tốt các thuốc nguy cơ cao, đặc biệt là các thuốc có thể sử dụng ngay,…
Các quy tắc trên là các quy tắc chung có thể áp dụng cho các thuốc nguy cơ cao. Cần xây dựng hàng rào an toàn cho mỗi bước quản lý ở từng nhóm thuốc nguy cơ cao.
Tài liệu tham khảo:
2. http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2549/HAS-than-trong-khi-su-dung-cac-thuoc-co-nguy-co-cao.htm