Với các bệnh nhân được chỉ định nitrofurantoin, nhân viên y tế cần tư vấn và cảnh báo về nguy cơ phản ứng có hại của thuốc trên gan và phổi, khuyến cáo bệnh nhân chú ý với các dấu hiệu và triệu chứng bất thường có liên quan.
Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế:
– Tư vấn cho bệnh nhân/người chăm sóc thận trọng khi sử dụng nitrofurantoin, lưu ý với các triệu chứng mới khởi phát trên hô hấp hoặc dấu hiệu cho thấy tình trạng trầm trọng hơn, nhanh chóng kiểm tra nếu nghi ngờ là phản ứng có hại của thuốc trên phổi.
– Các ảnh hưởng trên phổi có thể xuất hiện khi sử dụng nitrofurantoin ngắn hạn hoặc dài hạn, cần nâng cao cảnh giác và chú ý theo dõi các tác dụng không mong muốn cấp tính trên hô hấp trong tuần điều trị đầu tiên.
– Trường hợp bệnh nhân có đợt điều trị kéo dài, ví dụ tái phát nhiễm trùng đường tiết niệu, nên được theo dõi chặt chẽ các triệu chứng mới khởi phát hoặc nặng hơn trên hô hấp, đặc biệt là ở người cao tuổi.
– Ngưng sử dụng nitrofurantoin ngay lập tức nếu các triệu chứng trầm trọng hơn hoặc có tổn thương phổi
– Cảnh giác với các triệu chứng và dấu hiệu của rối loạn chức năng gan ở bệnh nhân đang sử dụng nitrofurantoin bất kể bệnh nhân đã sử dụng thuốc trong bao lâu, đặc biệt là khi sử dụng kéo dài, cần định kỳ xét nghiệm và kiểm tra các dấu hiệu cho thấy có viêm gan hoặc tổn thương gan.
– Thận trọng khi kê đơn nitrofurantoin cho những bệnh nhân có bệnh lý về phổi hoặc rối loạn chức năng gan, ở những bệnh nhân này tình trạng bệnh lý nền có thể che dấu các dấu hiệu và triệu chứng về tác dụng không mong muốn của thuốc.
– Khuyến cáo bệnh nhân đọc kỹ thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng và thận trọng với các phản ứng có thể xảy ra trên gan và phổi, liên hệ với nhân viên y tế nếu gặp vấn đề nêu trên.
Khuyến cáo dành cho bệnh nhân và người chăm sóc
– Nitrofurantoin là một kháng sinh có hiệu quả để dự phòng và điều trị nhiễm khuẩn bàng quang, thận và đường tiết niệu, tuy nhiên thuốc có thể gây ra các tác dụng không mong muốn trên gan và phổi.
– Khi sử dụng nitrofurantoin, nếu thấy khó thở, thở gấp, ho dai dẳng, ho ra máu hoặc chất nhày, đau hoặc khó chịu khi thở, cần liên hệ và trao đổi với nhân viên y tế để được tư vấn.
– Nếu có các dấu hiệu vàng da hoặc mắt, đau bụng trên bên phải, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu hoặc màu xám, ngứa hoặc đau sưng khớp, cần liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn, do đây có thể là các tác dụng không mong muốn trên gan khi sử dụng thuốc.
Tổn thương phổi và nitrofurantoin
Nitrofurantoin là một kháng sinh phổ rộng, xuất hiện từ những năm 1950. Thuốc được chỉ định cho người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh trên 3 tháng tuổi trong trường hợp:
– Điều trị và dự phòng nhiễm trùng đường tiết niệu cấp tính hoặc tái phát không biến chứng (UTIs)
– Điều trị và dự phòng viêm bể thận cấp tính hoặc tái phát không biến chứng.
Các hướng dẫn của NICE về kháng sinh chỉ định trong điều trị UTIs khuyến cáo nitrofurantoin là một trong những lựa chọn đầu tay, đặc biệt nếu bệnh nhân có nguy cơ đề kháng trimethoprim cao (hướng dẫn NICE 109). Các đợt điều trị nhiễm khuẩn được chỉ định kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể được sử dụng liều hàng ngày để dự phòng tái phát UTIs.
Báo cáo về tổn thương phổi cấp tính
– MHRA đã nhận được báo cáo tử vong của một bệnh nhân bị tổn thương phổi cấp tính và suy hô hấp khi sử dụng nitrofurantoin để điều trị UTI trong 10 ngày. Điều này đã dấy lên mối lo ngại về nguy cơ tổn thương phổi cấp tính khi sử dụng thuốc và cần thiết phải nhấn mạnh nguy cơ này cho nhân viên y tế cũng như người bệnh.
– Khả năng gây tổn thương phổi cấp tính của nitrofurantoin đã được ghi nhận trong Tờ tóm tắt thông tin về đặc tính sản phẩm (SmPC) của thuốc. Các ảnh hưởng cấp tính trên phổi được quan sát bao gồm sốt, ớn lạnh, ho, đau ngực, khó thở, hình ảnh thâm nhiễm phổi hoặc tràn dịch màng phổi trên phim X-quang và tăng bạch cầu ưa acid. Đối với các ảnh hưởng bán cấp tính, triệu chứng sốt và tăng bạch cầu ưa acid ít được ghi nhận hơn.
– Thông tin từ các nghiên cứu đã công bố về tần suất và mức độ nghiêm trọng của phản ứng có hại trên phổi cấp tính liên quan đến việc sử dụng nitrofurantoin còn hạn chế. Không thể ước tính chính xác tần suất của các phản ứng có hại trên phổi và tần suất tử vong, tuy nhiên bằng chứng từ các nghiên cứu quan sát cho thấy các phản ứng có hại của thuốc này là không thường xuyên.
– Trường hợp xuất hiện các triệu chứng tổn thương phổi, nên ngừng sử dụng nitrofurantoin ngay lập tức. Tờ hướng dẫn sử dụng cho bệnh nhân (PIL) đã đề cập thông tin về các phản ứng có hại ở phổi có thể xảy ra khi sử dụng thuốc và khuyến cáo bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức nếu có các triệu chứng của phản ứng này. Đối với bệnh nhân được điều trị kéo dài (đặc biệt là người cao tuổi) nên được theo dõi chặt chẽ tình trạng phổi.
Cảnh báo về phản ứng có hại trên gan
– Nitrofurantoin có thể gây các phản ứng ở gan, bao gồm vàng da ứ mật, viêm gan mạn tính thể hoạt động, viêm gan tự miễn và hoại tử gan ở mức độ hiếm gặp, tuy nhiên đã có báo cáo tử vong được ghi nhận. Nếu bệnh nhân có xuất hiện viêm gan, nên ngừng sử dụng nitrofurantoin ngay lập tức.
– Viêm gan có thể khởi phát từ từ và không có triệu chứng rõ ràng lúc ban đầu. Do đó cần theo dõi định kỳ thông qua các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan để phát hiện sớm các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng bất thường, đặc biệt là ở những bệnh nhân dùng nitrofurantoin dài ngày.
– Cần chú ý nếu bệnh nhân tình trạng bệnh lý nền trên gan, do có thể là nguyên nhân che lấp các triệu chứng về phản ứng có hại trên gan của thuốc. Việc theo dõi định kỳ có thể giúp cảnh báo bệnh nhân về các triệu chứng có thể xảy ra và khuyến cáo họ nên liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.gov.uk/drug-safety-update/nitrofurantoin-reminder-of-the-risks-of-pulmonary-and-hepatic-adverse-drug-reactions
- http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2379/MHRA-Nitrofurantoin-Canh-bao-ve-nguy-co-phan-ung-co-hai-cua-thuoc-tren-phoi-va-gan.htm