Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA): Cảnh báo Hội chứng bệnh não sau và hội chứng co thắt mạch máu não khi sử dụng pseudoephedrin

Có rất ít các báo cáo về hội chứng bệnh não sau (posterior reversible encephalopathy syndrome – PRES) và hội chứng co thắt mạch máu não có thể phục hồi (reversible cerebral vasoconstriction syndrome – RCVS) khi sử dụng thuốc chứa pseudoephedrin. Tuy nhiên, bệnh nhân và các nhân viên y tế cần lưu ý các triệu chứng của hai hội chứng trên để ngừng thuốc ngay lập tức và có biện pháp cấp cứu kịp thời.

 

Pseudoephedrin có tác dụng cường giao cảm, được phê duyệt dưới dạng hoạt chất đơn độc hoặc kết hợp cố định liều với thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin và thuốc ho. Pseudoephedrin được sử dụng để làm giảm triệu chứng nghẹt mũi và xoang do cảm lạnh và cúm ở người lớn và thanh thiếu niên. Thuốc cũng được sử dụng để điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa ở bệnh nhân, bao gồm cả triệu chứng nghẹt mũi ở trẻ em từ 2 đến 12 tuổi.

 

Có rất ít những báo cáo về hội chứng bệnh não sau (posterior reversible encephalopathy syndrome – PRES) và hội chứng co thắt mạch máu não có thể phục hồi (reversible cerebral vasoconstriction syndrome – RCVS) khi sử dụng pseudoephedrin. Nhóm Chuyên gia Tư vấn Cảnh giác Dược (PEAG) thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA) đã xem xét các bằng chứng sẵn có, bao gồm đánh giá từ các báo cáo phản ứng có hại của thuốc. PEAG khuyến nghị cập nhật hướng dẫn sử dụng thuốc để mô tả thêm về nguy cơ mắc PRES và RCVS cũng như các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, đồng thời khuyến cáo cho các nhân viên y tế và người bệnh về nguy cơ này.

 

Hội chứng bệnh não sau có thể phục hồi (PRES), hay hội chứng bệnh não chất trắng sau có hồi phục (RPLS), là một tình trạng hiếm gặp, trong đó, phần não bị ảnh hưởng có tình trạng phù, thường thứ phát sau tăng huyết áp nghiêm trọng, suy thận, nhiễm trùng nặng, sử dụng một số thuốc, bệnh tự miễn và tiền sản giật. Việc chẩn đoán thường dựa trên hình ảnh chụp não, cho phép phát hiện các vùng phù não. PRES thường khởi phát cấp tính với biểu hiện đau đầu và co giật; nhiều người cũng gặp phải các rối loạn thị giác, lú lẫn và buồn ngủ, yếu tay và/hoặc chân ở một bên cơ thể (liệt nửa người, nói khó hoặc các triệu chứng thần kinh hiếm gặp khác).

 

Hội chứng co thắt mạch máu não có thể phục hồi (RCVS), còn được gọi là hội chứng Call-Fleming, là một tình trạng hiếm gặp, đặc trưng bởi đột ngột đau đầu như búa bổ. Cơn đau dữ dội, có thể tái phát trong vài ngày đến vài tuần và thường liên quan đến cảm giác buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng. RCVS cũng có thể liên quan đến các triệu chứng thần kinh cấp như co giật và đột quỵ. Các triệu chứng này có thể xuất phát từ sự co mạch thoáng qua của các mạch máu não. Trong một số trường hợp, RCVS có thể liên quan đến việc sinh con, sử dụng thuốc vận mạch hoặc chất gây nghiện, chấn thương vùng đầu, bệnh tự miễn, rối loạn máu hoặc biến chứng của thai kỳ. RCVS thường được chẩn đoán bằng hình ảnh chụp động mạch não để xác định các vị tríco mạch.

Trong cả hai trường hợp, người bệnh thường phục hồi hoàn toàn trong vòng 3 tháng nếu được phát hiện và điều trị sớm.

 

Lời khuyên dành cho nhân viên y tế

  • Triệu chứng của PRES và RCVS bao gồm: đột ngột đau đầu dữ đội, đau đầu như búa bổ, nôn và buồn nôn đột ngột, lú lẫn, co giật, và/hoặc rối loạn thị giác.
  • PRES và RCVS là những tác dụng không mong muốn hiếm gặp khi sử dụng thuốc có chứa pseudoephedrin – thuốc thường được sử dụng để điều trị triệu chứng nghẹt mũi và xoang do cảm lạnh, cúm và dị ứng.
  • Pseudoephedrin được khuyến cáo sử dụng trong thời gian ngắn và không nên sử dụng trong thời gian dài.
  • Chống chỉ định sử dụng pseudoephedrin trên bệnh nhân tăng huyết áp nặng, tăng huyết áp không được kiểm soát tốt, hoặc mắc bệnh thận nặng.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.gov.uk/drug-safety-update/pseudoephedrine-very-rare-risk-of-posterior-reversible-encephalopathy-syndrome-pres-and-reversible-cerebral-vasoconstriction-syndrome-rcvs

http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2512/MHRA-canh-bao-hoi-chung-PRES-va-RCVS-khi-su-dung-pseudoephedrin.htm     

Read Previous

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA): Giới hạn chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh nhóm fluoroquinolon

Read Next

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ (FDA): Đánh giá nguy cơ rối loạn tâm thần khi sử dụng các thuốc chủ vận thụ thể GLP-1

Most Popular