Tên thuốc: Toposar, Sintopozid, Eposin, Etoposid “Ebewe” …
CẢNH BÁO
- Thuốc làm giảm khả năng tạo máu của tủy xương. Các dòng tế bào máu giảm có thể dẫn đến các vấn đề về xuất huyết, nhiễm trùng hoặc thiếu máu. Báo cho bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh hoặc đau họng; hoặc bất kỳ vết bầm tím hoặc các dấu hiệu xuất huyết nào không giải thích được; hoặc nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt.
Thuốc này được sử dụng để ĐIỀU TRỊ BỆNH làm gì?
- Thuốc được sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi.
- Thuốc được chỉ định trong điều trị ung thư tinh hoàn.
- Thuốc có thể được sử dụng vì những nguyên nhân khác. Hỏi bác sĩ nếu muốn có thêm thông tin.
Tôi cần thông báo cho bác sĩ những gì TRƯỚC KHI dùng thuốc này?
- Nếu bạn bị dị ứng với thuốc, hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc; hoặc với bất kỳ loại thuốc, thực phẩm hoặc hợp chất nào. Thông báo với bác sĩ về tình trạng dị ứng và những dấu hiệu xuất hiện.
- Nếu bạn có số lượng tiểu cầu và bạch cầu thấp.
- Nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào sau đây: Bệnh thận hoặc bệnh gan.
Đây không phải danh sách tất cả các thuốc hay các vấn đề sức khỏe có tương tác với thuốc.
Báo với bác sĩ và dược sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng (thuốc kê đơn hoặc không kê đơn (OTC), các sản phẩm từ thiên nhiên, vitamin) và các vấn đề sức khỏe hiện có. Việc kiểm tra là cần thiết để đảm bảo tính an toàn khi sử dụng đồng thời các thuốc này với nhau và không ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe khác của bạn. Không tự ý dùng thuốc, ngưng thuốc hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không thông qua bác sĩ.
Một số điều tôi cần biết hoặc cần làm TRONG QUÁ TRÌNH dùng thuốc?
- Cho tất cả nhân viên y tế đang điều trị cho bạn, bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ và nha sĩ biết tình trạng dùng thuốc của bạn.
- Một số trường hợp hiếm bệnh nhân có thể có ung thư thứ phát sau này.
- Bạn có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng hơn. Rửa tay thường xuyên. Giữ khoảng cách với những người đang bị nhiễm trùng, cảm lạnh hoặc cúm.
- Bạn có thể có nguy cơ xuất huyết cao hơn. Hãy cẩn thận và tránh để bị thương. Sử dụng bàn chải đánh răng mềm và dao cạo râu điện.
- Xét nghiệm máu khi có yêu cầu của bác sĩ.
- Nói với bác sĩ nếu bạn có ý định sử dụng rượu.
- Báo cho bác sĩ trước khi bạn muốn tiêm bất kỳ loại vắc xin nào. Sử dụng một số loại vắc xin với thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc làm bất hoạt vắc xin.
- Nếu bạn từ 65 tuổi trở lên, cẩn trọng trong quá trình sử dụng thuốc. Bạn có thể gặp phải nhiều tác dụng phụ hơn.
- Thuốc có thể gây hại cho thai nhi nếu dùng thuốc khi đang mang thai.
- Sử dụng các biện pháp tránh thai trong thời gian điều trị và trong một khoảng thời gian sau khi ngưng thuốc. Hỏi bác sĩ để biết bạn có cần phải sử dụng các biện pháp tránh thai sau khi ngưng thuốc hay không.
- Nếu phát hiện mình có thai trong quá trình điều trị hoặc trong vòng vài tháng sau khi ngưng thuốc, báo ngay cho bác sĩ.
- Nam giới nên sử dụng các biện pháp tránh thai khi đang dùng thuốc và trong một khoảng thời gian sau khi ngưng thuốc. Hỏi bác sĩ để biết bạn có cần phải sử dụng các biện pháp tránh thai sau khi ngưng thuốc hay không.
- Nếu bạn đời của bạn có thai bạn đang dùng thuốc hoặc trong một khoảng thời gian sau khi ngưng thuốc, báo cho bác sĩ ngay lập tức.
Một số TÁC DỤNG PHỤ tôi cần thông báo cho bác sĩ ngay lập tức?
CẢNH BÁO / THẬN TRỌNG: Tuy hiếm gặp nhưng một số người có thể gặp các tác dụng phụ rất nghiêm trọng và đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Thông báo với bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức nếu có xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây:
Tất cả các sản phẩm
- Các dấu hiệu của phản ứng dị ứng, như phát ban; nổi mề đay; ngứa; đỏ, sưng, phồng rộp hoặc bong tróc da có hoặc không sốt; thở khò khè; tức ngực hoặc co thắt họng; khó thở, khó nuốt, hoặc khó nói chuyện; khàn giọng bất thường; hoặc sưng miệng, mặt, môi, lưỡi, hoặc cổ họng.
- Thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào như sốt, ớn lạnh, có các dấu hiệu giống như bị cảm cúm, đau họng rất nặng, đau tai hoặc xoang, ho, nhiều đờm hơn hoặc thay đổi màu sắc đờm, đau khi đi tiểu, lở miệng hoặc vết thương không lành.
- Các dấu hiệu có xuất huyết như nôn hoặc ho ra máu, chất nôn có màu giống bã cà phê; tiểu máu; phân đen hoặc lẫn máu; chảy máu chân răng; chảy máu âm đạo bất thường; các vết bầm tím không rõ nguyên do hoặc ngày càng lan rộng; hoặc có vết thương chảy máu không thể cầm.
- Các dấu hiệu của tăng hoặc tụt huyết áp như đau đầu dữ dội hoặc chóng mặt, ngất xỉu, hoặc thay đổi thị lực.
- Khó thở.
- Nhịp tim nhanh.
- Đỏ bừng.
- Đổ nhiều mồ hôi.
- Da xanh hoặc xám.
- Đau lưng.
Chế phẩm tiêm:
- Thuốc có thể gây ra các tổn thương mô nếu bị rò rỉ ra đường tĩnh mạch. Báo cho nhân viên y tế nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như mẩn đỏ, bỏng rát, đau, sưng tấy, nổi mụn nước, có các vết loét trên da hoặc có hiện tượng thoát dịch ở vị trí tiêm thuốc.
Một số tác dụng phụ khác của thuốc?
Tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra các tác dụng phụ. Tuy nhiên, nhiều người không xuất hiện các tác dụng phụ hoặc tác dụng phụ không nghiêm trọng. Thông báo cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào hoặc bất kỳ các tác dụng phụ khác dai dẳng hoặc không cải thiện:
- Rụng tóc.
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu ớt.
- Kích ứng ở miệng hoặc lở miệng.
- Tiêu chảy, đau bụng, nôn hoặc chán ăn là những biểu hiện phổ biến khi dùng thuốc. Nếu bạn có các triệu chứng này, hãy nói với bác sĩ để biết cách làm giảm các tác dụng phụ này. Báo cho bác sĩ ngay nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào làm bạn bận tâm, không thuyên giảm hoặc trở nên trầm trọng.
Đây không phải là tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra. Liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ câu hỏi nào về các tác dụng phụ của thuốc và được tư vấn y tế về các tác dụng phụ.
Thuốc này SỬ DỤNG như thế nào là tốt nhất?
Sử dụng thuốc này theo chỉ định của bác sĩ. Đọc tất cả thông tin được cung cấp và theo dõi chặt chẽ tất cả các hướng dẫn sử dụng.
Viên nang:
- Một số sản phẩm cần phải uống khi đói. Hỏi dược sĩ về cách dùng thuốc này.
- Tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thậm chí khi bạn cảm thấy tình trạng sức khỏe đã tốt hơn.
- Bạn cần cẩn thận nếu bạn muốn loại bỏ thuốc. Hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết làm thế nào để xử lý thuốc.
Chế phẩm tiêm:
- Thuốc được truyền tĩnh mạch trong một khoảng thời gian.
Cần làm gì nếu tôi QUÊN MỘT LIỀU thuốc?
Viên nang:
- Uống ngay khi nhớ ra.
- Nếu gần với thời gian dùng liều tiếp theo, bỏ qua liều đã quên và quay lại với thời gian uống thuốc bình thường.
- Không dùng 2 liều cùng lúc hoặc thêm liều.
Chế phẩm tiêm:
- Thông báo với bác sĩ để biết phải làm gì.
Làm cách nào để BẢO QUẢN và / hoặc vứt bỏ loại thuốc này?
Viên nang:
- Một số thuốc của các nhà sản xuất khác nhau cần phải được bảo quản trong tủ lạnh. Một số khác cần bảo quản ở nhiệt độ phòng. Nếu bạn có thắc mắc về vấn đề này, hãy nói với dược sĩ để biết thêm thông tin.
- Không trữ thuốc đông đá.
Chế phẩm tiêm:
- Nếu bạn cần bảo quản thuốc này ở nhà, hãy nói với bác sĩ, y tá hoặc dược sĩ về cách làm thế nào để bảo quản nó.
Tất cả các sản phẩm:
- Giữ thuốc ở nơi an toàn, ngoài tầm với của trẻ em và vật nuôi.
- Loại bỏ thuốc không sử dụng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng. Không xả xuống bồn cầu hoặc đổ xuống cống trừ khi được yêu cầu làm như vậy. Thông báo với dược sĩ nếu có các câu hỏi về vấn đề loại bỏ thuốc. Có thể có các chương trình thu hồi thuốc trong khu vực của bạn.
Thông tin chung về thuốc
- Nếu các triệu chứng hoặc vấn đề sức khỏe của bạn không thuyên giảm hoặc nếu chúng trở nên nghiêm trọng hơn, hãy thông báo cho bác sĩ.
- Không dùng chung thuốc của bạn với người khác và không dùng thuốc của người khác.
- Một số thuốc có thể có một tờ thông tin cho bệnh nhân khác. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về loại thuốc này, vui lòng trao đổi với bác sĩ, y tá, dược sĩ hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.
- Nếu bạn cho rằng mình đã dùng quá liều, liên hệ cho trung tâm kiểm soát chất độc hoặc đến cơ sở y tế. Và sẵn sàng cung cấp tất cả các thông tin về những gì bạn đã sử dụng, liều lượng và thời điểm diễn ra.
Lưu ý: Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của Bác sĩ chuyên môn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc etoposide
- https://www.uptodate.com/contents/etoposide-patient-drug-information.
Truy cập ngày 06/9/2021